Tại sao cần phải tự tin?

“Tự tin là chìa khóa để thành công”, đây là lời khuyên chính xác và vô cùng quen thuộc. Tuy nhiên, không phải ai cũng có sẵn sự tự tin ngay từ khi sinh ra. Nếu bạn là người nhút nhát và rụt rè, hãy tham khảo 7 lời khuyên dưới đây để nuôi dưỡng sự tự tin cho mình.



1. Rèn luyện ý chí

Tự tin là một trạng thái của não bộ và có thể đạt được thông qua những hành động có chủ đích. Hãy dành thời gian nuôi dưỡng tâm trí, cơ thể và tâm hồn của bạn mỗi ngày bằng những hoạt động lành mạnh như tập thể dục, đọc sách, thiền… Nếu bạn không dành thời gian cho chính mình, những người khác sẽ dùng quan điểm của họ bóp méo thế giới quan của bạn, từ đó, bạn sẽ không còn niềm tin vào bản thân nữa.

2. Chỉ giữ lại những suy nghĩ tiêu cực có ích

Những suy nghĩ tiêu cực và cảm giác không an toàn luôn bất chợt xuất hiện. Nếu bạn cứ liên tục tập trung vào chúng thì tâm trạng của bạn chỉ trở nên tệ hơn. Tuy nhiên, không phải bất kỳ suy nghĩ tiêu cực nào cũng có hại, có một số sẽ khiến bạn mạnh mẽ và sống có trách nhiệm hơn. Vì thế, nhiều chuyên gia tâm lý khuyên rằng, bạn nên giữ lại những suy nghĩ tiêu cực có ích, chúng khiến bạn thấy khó chịu nhưng lại là động lực thúc đẩy bạn tiến lên, và dứt khoát bỏ qua những suy nghĩ không thúc đẩy hành động tích cực nơi bạn.

3. Tập lối sống giúp phát triển bản thân


Ném mình vào nhưng mối quan hệ hoặc các khóa học chuyên nghiệp và nghiêm túc cũng là cách bạn bắt buộc bản thân mình phát triển, từ đó, hình thành nên sự tự tin và khiêm tốn trong tính cách. Từ những khóa học kĩ năng như: Kĩ năng lãnh đạo, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng thuyết trình,… đến các khóa học về thể chất, chăm sóc ngoại hình,… đều có thể giúp bạn rèn luyện bản lĩnh và sự tự tin.

4. Tìm hiểu về “Hội chứng kẻ mạo danh” (Imposter Syndrome)

Nhiều chuyên gia tâm lí có nhắc đến hội chứng này, nó hình thành khi chúng ta luôn tự ti và nghĩ bản thân không thể hoàn thành được việc gì, và bất cứ thành công nào ta có được đều chỉ do may mắn. Để vượt qua điều này, bạn nên học cách tìm hiểu những ưu khuyết điểm của bản thân. Nên nhớ rằng, “Mọi người đều là thiên tài, nhưng nếu bạn đánh giá con cá bằng khả năng leo cây của nó, suốt đời nó sẽ tin rằng mình là kẻ ngốc nghếch” (Albert Einstein). Chỉ khi bạn biết được chính xác giá trị cốt lõi của mình, bạn mới có thể tự tin và tôn trọng chính mình, cũng như tôn trọng người khác.

5. Xây dựng thương hiệu cá nhân “chất lượng cao”


Thành tố quan trọng để xây dựng nên sự tự tin của một người chính là việc xây dựng “thương hiệu cá nhân” của người đó. Việc này có thể thực hiện thông qua những “kênh truyền thông cá nhân” chất lượng cao như blog, mạng xã hội, kênh video… Bạn hãy đầu tư công sức vào những kênh này. Kể cả khi chúng không thu hút được nhiều sự chú ý lúc ban đầu, chúng chính là bằng chứng cho thấy bạn đã có một bước đi đáng tự hào và có thể giới thiệu bản thân mình với người khác thông qua đó – điều này sẽ tác động đáng kể đến độ tự tin của bạn.

6. Tìm ra giá trị bản thân bên ngoài văn phòng làm việc


Sự tự tin nên có nền tảng dựa trên các giá trị tự thân của bạn, chứ không phải thông qua sự thành công trong sự nghiệp. Vì thế, hãy tìm cách “kết nối” với chính mình và phát triển bản thân. Những cách này có thể là thông qua các hoạt động như thiện nguyện, thiền, tập thể dục, tán gẫu với bạn bè,… cũng có thể là bất cứ hoạt động nào khác khiến bạn có thêm những phát hiện mới về con người bạn bên ngoài văn phòng làm việc.

7. Cách ăn mặc cũng ảnh hưởng đến sự tự tin

Dù đang làm nhân viên hay đang là sếp, dù đang làm văn phòng hay ở nhà làm tự do, hãy luôn ăn mặc để thu hút những người bạn muốn gặp, chứ không phải để những người bạn đang quen biết ngắm nhìn. Nhiều người nghĩ rằng vì mình làm ở nhà nên ăn mặc xuề xòa cũng chẳng sao, nhưng sự thực là hình thức bên ngoài phản chiếu thái độ bên trong của bạn. Vì thế, hãy luôn ăn mặc tươm tất và lịch thiệp, bạn sẽ cảm thấy tự tin và vui vẻ hơn nhiều.